Ngoài phong cảnh đẹp, những miệt vườn rộng rãi đầy cây trái hay chợ nổi trên sông, sự hấp dẫn và đa dạng của các đặc sản miền Tây cũng là điều tạo nên văn hóa đặc sắc của vùng sông nước này. Đó không chỉ là các món ăn được chế biến theo cách đặc trưng mà còn là vô vàn các loại bánh, trái, các loại đặc sản địa phương rất thích hợp để thưởng thức tại chỗ hay mua về làm quà.
Mục lục nội dung
ToggleCác món ăn đặc sản miền Tây ngon khó cưỡng
Lẩu cá linh bông điên điển
Nói đến các đặc sản miền Tây sông nước, các món lẩu được coi như là một nét chấm phá đặc sắc và gợi nhớ cái hồn của ẩm thực đồng quê. Từ những sản vật dân dã vùng sông nước, người dân miền Tây đã tinh ý chọn lấy những nguyên liệu đặc trưng nhất, tươi ngon nhất để nấu ra những món lẩu ngon nhất. Trong đó, không thể bỏ qua món lẩu cá linh bông điên điển, là sự kết hợp giữa bông điên điển và cá linh, loài cá đổ về từ trong mùa nước nổi.
Là món lẩu chỉ có thể thấy trong những mùa nước ròng, lẩu cá linh bông điên điển vì thế mà cũng là đặc sản được nhiều du khách trông đợi. Mùa nước nổi ở miền Tây kéo dài từ tháng 9 đến tháng 11, cá linh đầu mùa thường chỉ nhỏ bằng đầu đũa, thịt cá thơm ngon nên rất thích hợp để làm lẩu. Sự kết hợp đơn giản giữa cá linh béo bùi và bông điên điển giòn tươi cùng với một số nguyên liệu khác như ngò gai, nước mắm cũng đủ tạo nên một hương vị bung tỏa ngây ngất.
Lẩu mắm miền Tây
Đại diện cho nền ẩm thực dân dã, chân phương đó phải chăng là lẩu mắm, thứ lẩu khiến người ta ấn tượng và nhung nhớ ngay từ lần đầu tiên thưởng thức. Nguyên liệu rất quan trọng và không thể thiếu trong những nồi lẩu mắm đó là mắm cá, thường là mắm cá sặc hoặc mắm cá linh, đôi khi còn kết hợp hợp cả hai. Ngoài ăn sống, chấm với rau hay mắm chưng, mắm cá cũng được tận dụng để nấu nước lèo cho món lẩu mắm.
Một nồi lẩu mắm hoàn chỉnh là phải có đủ các nguyên liệu như thịt ba rọi, mực, thịt bò, cá hú, tôm,vv…tùy chọn theo sở thích của người nấu. Càng nhiều nguyên liệu thì nồi lẩu của chúng ta càng thơm béo. Chính nhờ hương vị thơm nồng của mắm cá, kết hợp với vô số các loại rau tươi sống như bông súng, rau muống, rau nhút, so đũa, bông bí, bạc hà, kèo nèo,…đã tạo ra một món lẩu đậm đà khó quên.
Cá lóc nướng trui
Có dịp ghé thăm các tỉnh miền Tây Nam Bộ, cụ thể là thành phố Cần Thơ, du khách sẽ được người dân nơi đây thiết đãi món cá lóc nướng trui dân dã mà cuốn hút. Thiên nhiên trù phú của miền Tây đã ban tặng cho vùng đất này vô số các loài cá nước ngọt, thơm ngon mà phổ biến nhất phải kể đến là cá lóc. Ngoài để làm khô cá lóc, cháo cá lóc hay cá lóc kho tộ, người miền Tây lại thích thú hơn với món cá lóc nướng trui.
Là một món ăn dân dã nên cách chế biến cá lóc nướng trui cũng cực kỳ đơn giản. Tuy vậy, vẫn cần đến sự khéo léo của đầu bếp thì món cá mới đạt độ thơm ngon như ý. Cá sau khi bắt lên, chỉ cần rửa sạch, không cần sơ chế cầu kỳ như mổ bụng, đánh vảy mà chỉ cần một xiên tre sạch, xiên thẳng từ miệng đến đuôi cá. Sau đó, trực tiếp nướng trên lửa rơm cho đến khi cá chín vàng dậy mùi thơm. Cá lóc nướng kiểu này thường ăn kèm với bún, chấm mắm ớt chua ngọt và ăn kèm với rau tùy thích như dưa leo, xà lách, khế chua, chuối chát, các loại rau thơm.
Bún cá Châu Đốc
Nói đến các đặc sản miền Tây nói chung và món ngon trứ danh đất An Giang nói riêng thì nhất định phải kể đến món bún cá Châu Đốc. Mặc dù miền sông nước không thiếu các loại bún như bún mắm, bún riêu, bún nước lèo, bún kèn, bún quậy song bún cá của vùng Thất Sơn vẫn là một đặc sản nên có trong hành trình ẩm thực của bất kỳ vị khách nào.
Là món ăn có nguồn gốc từ Campuchia, bún cá được người Khmer đưa sang và từ đó nó đã được biến tấu theo phong vị của người dân ở đây. Để từ đó, trở thành một món ăn có ý nghĩa đối với người dân An Giang và đặc sản miền Tây được nhiều du khách thích thú. Nói đến sự đặc sắc của bún cá Châu Đốc, phải kể đến sự sóng sánh, đậm đà từ nước dùng, màu vàng ươm của thịt cá và bông điên điển cùng với sắc xanh mơn mởn của các loại rau sống ăn kèm.
Cua Cà Mau
Là một món ngon đặc sản miền Tây, cua Cà Mau là thứ mà bạn sẽ bắt gặp rất nhiều khi có dịp đến với địa đầu cực Nam tổ quốc. Không cần nói nhiều bởi ai cũng biết, cua biển Cà Mau vốn nổi tiếng là ngọt thịt, béo ngậy do đó được đánh giá là loại cua ngon nhất và có giá trị dinh dưỡng cao nhất cả nước.
Một lần được thưởng thức đúng hương vị cua biển Cà Mau cũng là niềm mong ước của rất nhiều du khách. Để cảm nhận được trọn vẹn độ ngon ngọt, chắc nịch và béo bùi của cua, cách chế biến đơn giản nhất vẫn là luộc hoặc hấp. Sau đó, chấm kèm với muối tiêu xanh hoặc muối ớt chanh cũng đủ sảng khoái. Ngoài ra, tại các nhà hàng, quán ăn hay các khu du lịch, người ta cũng phục vụ nhiều món ăn hấp dẫn khác từ cua như cua rang muối, cua rang me, lẩu cua,vv…
Đặc sản miền Tây làm quà
Bánh pía Sóc Trăng
Nói đến các loại bánh đặc sản miền Tây thì nhất định phải có bánh pía Sóc Trăng, vốn là một món ăn do người Hoa di cư đến đây sáng tạo nên. Bánh pía được sản xuất quanh năm nên dù du lịch miền Tây vào bất cứ mùa nào, tháng nào, bạn đều có thể mua loại bánh này về làm quà. Ngoài bánh pía truyền thống còn có rất nhiều các loại bánh pía mới lạ như bánh pía kim sa, bánh pía thập cẩm, bánh pía đậu đỏ, bánh pía sầu riêng,vv…
Bánh tét Trà Cuôn
Bánh tét Trà Cuôn là một đặc sản của tỉnh Trà Vinh, được nhiều người dân địa phương và du khách gần xa biết đến. Sự hấp dẫn của món bánh tét này có lẽ là hình thức bên ngoài với ba màu đẹp mắt và hương vị thơm ngon đến từ lớp nếp dẻo kết hợp với nhân đậu xanh thơm bùi cùng với phần thịt mỡ, trứng muối béo ngậy ở giữa.
Các loại khô cá
Cạnh bánh pía, bánh tét vốn rất nổi tiếng, nói đến đặc sản ở miền Tây thì không thể thiếu các loại khô cá. Ngoài các món ăn chế biến từ cá tươi như cháo cá, lẩu cá hay cá kho, mọi người ở đây cũng thường xẻ thịt cá đem phơi khô để ăn dần. Nhiều loại khô cá được không chỉ người dân địa phương yêu thích mà còn được rất nhiều du khách mua về làm quà, thơm ngon nhất có khô cá lóc đồng, khô cá sặc, khô cá đuối, khô nhái, khô cá dứa,vv…
Lạp xưởng
Nước ta có nhiều vùng làm lạp xưởng nhưng lạp xưởng miền Tây dường như vẫn là phiên bản được nhiều người yêu thích hơn cả. Trong đó, lạp xưởng Sóc Trăng và lạp xưởng Cai Lậy (Tiền Giang) được đánh giá là ngon nhất với làng nghề sản xuất lạp xưởng tươi đã duy trì trong nhiều năm qua. Sở dĩ lạp xưởng ở đây được ưa chuộng là bởi được làm từ thịt heo tươi với tỉ lệ 8 nạc + 2 mỡ cùng với rượu Mai Quế Lộ tạo mùi thơm đặc biệt.
Kẹo dừa Bến Tre
Được làm từ quả dừa, loại cây được trồng rất nhiều ở miền Tây và đặc biệt là Bến Tre, kẹo dừa thương hiệu Bến Tre từ lâu đã là một món quà quen thuộc. Chỉ từ những nguyên liệu hết sức đơn giản như nước cốt dừa, cơm dừa, mạch nha và đường, người dân xứ này đã khéo léo tạo nên một loại kẹo dẻo dai, cắn một miếng là cảm giác như tuổi thơ ùa về. Giờ đây, khi đến với miền Tây, du khách sẽ có nhiều sự lựa chọn hơn như kẹo dừa ca cao, kẹo dừa sầu riêng,vv…
Các loại trái cây
Miền Tây được biết đến là vựa trái cây lớn nhất cả nước với rất nhiều những giống hoa quả thơm ngon như chôm chôm, mãng cầu, sầu riêng, cam, ổi, vú sữa, nhãn, bưởi da xanh,… Khi tham gia vào các tour du lịch miệt vườn miền Tây, mọi người không chỉ được hòa vào không gian cây xanh thoáng đãng, được thưởng thức trái cây no nê mà còn được mua đủ các loại quả yêu thích với giá cực kỳ rẻ.
Ngoài ra, còn vô số các đặc sản miền Tây khác như đuông dừa, bánh xèo, hủ tiếu khô Sa Đéc, cháo cá lóc, chuột đồng, ốc nướng tiêu xanh, bánh cống, bánh tằm bì,vv… Mỗi món ăn đều mang một ý nghĩa riêng, cách chế biến riêng cũng như hương vị riêng. Nếu có cơ hội, bạn vẫn nên dành nhiều thời gian hơn để thưởng thức, để thấy được rằng, ẩm thực miền Tây dân dã và cuốn hút đến nhường nào.