Cùng với Chol Chnam Thmay, Sene Đolta, Ok Om Bok cũng là một trong ba lễ hội quan trọng nhất của đồng bào Khmer Nam Bộ. Hằng năm, cứ đến dịp diễn ra lễ hội, người dân các phum sóc lại tất bật chuẩn bị mọi thứ để cùng gia đình, người thân tham gia vào lễ hội truyền thống đặc biệt này. Được xem là lễ hội mang đậm màu sắc văn hóa của đồng bào Khmer, lễ hội Ok Om Bok giờ đây còn hấp dẫn du khách trên cả nước bởi được tổ chức ngày càng quy mô với nhiều hoạt động vô cùng hấp dẫn.
Mục lục nội dung
Toggle>> Xem thêm: Tour miền Tây trọn gói
Giới thiệu về lễ hội Ok Om Bok
Lễ hội Ok Om Bok, hay còn gọi là lễ hội Cúng Trăng là một nét văn hóa truyền thống của cộng đồng người Khmer sinh sống ở đồng bằng sông Cửu Long. Được biết, lễ hội này được diễn ra vào ngày 14 và ngày 15 tháng Kadar tính theo Phật lịch, tức là tháng Mười Âm lịch. Trước đó, lễ hội Ok Om Bok của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh cũng đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Sở dĩ lễ hội có tên là Cúng Trăng, bởi theo quan niệm của người Khmer, Mặt Trăng chính là một vị thần quyền năng, đã có công bảo vệ mùa màng, điều hòa thời tiết, đem lại nguồn sản vật dồi dào, giúp bà con phum sóc có cuộc sống no ấm, đủ đầy. Như vậy, có thể nói lễ hội Ok Om Bok được tổ chức như là một cách để thầm cảm ơn vị thần Mặt Trăng cũng như báo hiệu kết thúc mùa vụ. Ngoài ra, lễ hội Ok Om Bok còn có tên gọi khác là đút cốm dẹp, vì vậy mà món đặc sản cốm dẹp cũng sẽ có mặt trong các hoạt động của dân làng.
Hiện nay, lễ hội Ok Om Bok được tổ chức rộng rãi trên khắp các tỉnh của vùng Nam Bộ, trong đó Trà Vinh và Sóc Trăng được xem là hai tỉnh tổ chức lễ hội này với quy mô lớn nhất. Phần lớn người dân Khmer ở những vùng này từ lâu đã gắn chặt cuộc đời mình với gia đình, với phum sóc nên đối với họ, Ok Om Bok là một lễ hội cực kỳ quan trọng. Để thể hiện sự gắn kết với truyền thống này, các nghi thức, phong tục của lễ hội không chỉ diễn ra ở gia đình mà còn mở rộng quy mô ra các chùa cũng như toàn tỉnh.
Các hoạt động diễn ra ở lễ hội Ok Om Bok
Cũng như các lễ hội lớn khác như Sen Dolta hay Chôl Chnăm Thmây, lễ hội Ok Om Bok cũng gắn liền với nhiều phong tục, đó chính là các nghi thức, các hoạt động sôi nổi. Dù là nghi thức lớn hay nhỏ, dù là diễn ra ở nhà hay ở chùa, người Khmer đều làm nó một cách chỉn chu, trang trọng nhất.
Nghi thức Cúng Trăng
Đây có thể nói là nghi thức chính và quan trọng nhất của lễ hội Ok Om Bok. Phần lễ này có thể thực hiện tại chùa, tại nhà hoặc bất cứ nơi đâu có thể nhìn thấy được ánh trăng rõ ràng. Trước khi bắt đầu cúng tế, người ta sẽ chọn không gian rộng lớn, cao ráo và sạch sẽ. Khi mặt trăng vừa nhô lên cao, ánh trăng chiếu sáng khắp mọi nơi là lúc nghi thức cúng trăng bắt đầu. Trong lễ tế này, ngoài cốm dẹp là lễ vật bắt buộc, người địa phương còn chuẩn bị thêm các món khác, liên quan đến nông nghiệp như trái cây, củ khoai, chuối,vv…
Sau khi mọi thứ sẵn sàng, ánh trăng tỏa sáng nhất cũng là lúc mà người cúng bắt đầu đốt nhang, đèn và rót trà như một nghi thức để tạ ơn trăng. Sau khi khấn vái cũng như đọc kinh cầu phúc, người ta sẽ chuyển sang nghi thức đút cốm dẹp. Đó là đem cốm dẹp cùng với các thứ khác, mỗi thứ một ít đem đút vào miệng của các em nhỏ. Khi đó, trẻ em vừa nuốt cốm, vừa nói ra những ước mơ có phần ngây ngô và đơn giản, đó cũng là mong ước của mỗi nhà, mỗi phum sóc gửi đến Thần Mặt Trăng.
Đua ghe ngo truyền thống
Một trong những hoạt động thường thấy trong lễ hội Ok Om Bok đó là đua ghe ngo, một nét văn hóa truyền thống độc đáo của đồng bào người Khmer Nam Bộ. Ban đầu, đua ghe chỉ đơn giản là một trò chơi dân gian, như một cách để bà con vui hội, quây quần bên nhau cho không khí lễ hội thêm rộn rã. Về sau, trò chơi này dần được phát triển thành một lễ hội có quy mô lớn, thu hút rất nhiều người địa phương cũng như du khách đến xem các đội phân tài cao thấp.
Đua ghe ngo có thể nói là điều hấp dẫn du khách nhất khi đến tìm hiểu về lễ hội Ok Om Bok. Tham dự cuộc đua là những chiếc ghe ngo lớn, chắc chắn cũng như được trang trí với màu sắc rực rỡ. Khi nước thủy triều dâng cao cũng là lúc cuộc đua ghe ngo chính thức bắt đầu, khi đó hàng chục tay bơi cừ khôi đồng lòng tiến về phía trước giữa tiếng reo hò cổ vũ của hàng nghìn người đổ về kín hai bên bờ sông. Được biết, các đội ghe ngo sẽ được chia thành từng cặp để tranh vòng loại, sau đó chọn bốn đội vào bán kết và cuối cùng là hai đội xuất sắc nhất tiến thẳng vào chung kết. Đội nào về nhất sẽ nhận được những giải thưởng có giá trị của ban tổ chức, đồng thời được bà con vinh danh cũng như chiêu đãi rất linh đình.
Lễ thả đèn
Sau những nghi thức của phần lễ, người dân sẽ chuyển sang các hoạt động của phần hội, trong đó có lễ hội thả đèn gió. Tuy không thể so sánh với lễ hội thả đèn trời Yi Peng ở Chiang Mai nhưng cũng tạo được những dấu ấn mạnh mẽ với những du khách ở xa. Trong lễ hội này, người ta sẽ sử dụng những chiếc đèn gió handmade do chính tay mình làm, đây là loại đèn làm từ những cây nan tre, giấy và dùng kẽm để cố định. Sau khi tạo hình đèn, bên trong sẽ phủ thêm một lớp bông gòn được nhúng vào dầu.
Khi thả đèn, người ta sẽ dùng lửa để đốt khối bông gòn, khi ngọn lửa tỏa ra sẽ tạo thành lực để nâng đẩy chiếc đèn lên. Để có thể giúp đèn trụ vững, không chao đảo, cần biết cách khéo léo nâng đèn lên, tay nương theo lực của đèn cũng như hướng gió. Tục lệ thả đèn này có thể nói như là một cách để bày tỏ lòng biết ơn của người dân trong phum sóc đến với vị thần Mặt Trăng. Cùng với đó, lồng đèn bay lên cũng mang theo biết bao nhiêu những lời ước nguyện, phù hộ từ các đấng thần linh bảo hộ cho cuộc sống của bà con được yên vui, đủ đầy.
Các hoạt động, vui chơi giải trí khác
Tại một số các di tích và tùy từng địa phương, lễ hội Ok Om Bok còn tổ chức thêm một số các hoạt động giải trí hấp dẫn, thu hút đông đảo đồng bào Khmer ở các tỉnh cũng như du khách trên khắp cả nước về tham gia. Từ các trò chơi dân gian như đập niêu, kéo co, đi cà kheo, đẩy gậy cho đến các môn thể thao như bóng chuyền, chạy việt dã,vv…
Bên cạnh đó, sau khi diễn ra những nghi thức đút cốm đẹp cũng như đua ghe truyền thống, người dân các phum sóc cũng “ăn mừng” lễ hội bằng cách quây quần cùng người thân, bà con, cùng nhau nhảy múa, nào là hát À dây, múa lâm thôn rồi thì lăm vông, lăm leo, đều là những điều múa truyền thống của người Khmer. Những động tác uyển chuyển, nhịp nhàng trong âm nhạc rộn rã đã phần nào làm vơi đi những nhọc nhằn, vất vả của bà con, đem đến những khoảnh khắc vui chơi thư giãn và đầy hào hứng.
Hiện nay, lễ hội Ok Om Bok cũng dần có nhiều sự thay đổi, nhất là sự khác biệt về nếp sống của đồng bào Khmer ở các địa phương khác nhau, dẫn đến cách tổ chức cũng có phần thay đổi cho phù hợp. Tuy vậy, những nghi lễ quan trọng vẫn còn giữ lại, để góp phần gìn giữ cái bản sắc và cái hồn của lễ hội. Ok Om Bok cũng được tổ chức hằng năm, giờ đây nó không đơn thuần là một lễ hội của một cộng đồng người Khmer mà còn mở rộng ra trở thành một hoạt động văn hóa chung, mang ý nghĩa phát huy, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, vừa góp phần gắn kết các dân tộc sinh sống trong cùng một địa phương.