Tết mừng năm mới – Chol Chnam Thmay của người Khmer

Trong các chuyến đi xuôi về miền Tây Nam Bộ, bạn sẽ có cơ hội được tiếp xúc và trải nghiệm nhiều lễ hội đặc sắc của vùng đất Cửu Long, trong đó không thể không kể đến tết Chol Chnam Thmay. Được biết, Chol Chnam Thmay là lễ hội mừng năm mới theo lịch cổ truyền của dân tộc Khmer. Vào dịp này, rất nhiều các nghi lễ truyền thống cũng như trò chơi dân gian đặc sắc được tổ chức, tạo nên một không khí rộn ràng trong cộng đồng dân tộc người Khmer nói riêng và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nói chung. 

Giới thiệu về Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer

Nếu như Thái Lan có Tết Songkran, Lào có Tết Bunpimay, Myanmar có Tết Thingyan thì Campuchia cũng có tết cổ truyền của riêng họ, gọi là Chol Chnam Thmay. Đó là lễ hội lớn nhất trong năm của người dân đất nước chùa tháp cũng như hơn 11,3 triệu đồng bào dân tộc Khmer trên lãnh thổ Việt Nam. Cũng như cách người dân ta chào đón tết Nguyên Đán, người dân Khmer cũng tỏ ra hào hứng với tết cổ truyền của họ. 

Hằng năm, cứ đến trung tuần tháng 4 Dương lịch, tức đầu tháng Chét theo Phật lịch của Phật giáo Nam tông Khmer, người đồng bào dân tộc Khmer trên cả nước lại bắt đầu tổ chức lễ chào mừng năm mới của dân tộc mình. Theo đó, “Chol” nghĩa là “vào” và “Chnam Thmay” là “năm mới”. Vào những ngày này, người dân thường chuẩn bị và thực hiện rất nhiều các nghi lễ truyền thống cũng như trò chơi dân gian đặc sắc. 

Qua dịp lễ tết Chol Chnam Thmay được tổ chức mỗi năm một lần, người dân Khmer cũng đã thể hiện trọn vẹn tính đoàn kết cộng đồng một cách mạnh mẽ. Đó không chỉ là dịp để con người cộng cảm, kết nối với thiên nhiên, thể hiện một năm mới mưa thuận gió hòa mà còn là dịp để nhớ đến tổ tiên. 

Một số thông tin chi tiết về tết Chol Chnam Thmay 2024

  • Địa điểm tổ chức: Các tỉnh ở miền Tây Nam Bộ
  • Thời gian diễn ra: 3 đến 4 ngày của tháng 4 Dương lịch

Ý nghĩa Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer

Tết Chol Chnam Thmay là một trong 3 lễ hội lớn của người Khmer và cũng là lễ hội mang một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Tháng 4 là thời điểm giao giữa mùa nắng và mùa mưa ở các tỉnh nam bộ. Đây cũng chính là lúc mà cây cối trở nên tươi tốt và thiên nhiên bừng sức sống nhất trong năm. Theo quan niệm của người Khmer, điều này có thể hiểu như một khởi đầu tốt đẹp cho một năm mới sắp đến.

Như vậy, có thể thấy, việc tổ chức tết Chol Chnam Thmay chính là xuất phát từ mục đích người dân cầu xin mau qua mùa khô để có thể bắt đầu một mùa vụ mới bội thu hơn. Nếu như trước đây, Chol Chnam diễn ra xuyên suốt từ 10-15 ngày thì giờ đây, nó trở nên đơn giản hơn khi lễ hội này chỉ kéo dài vỏn vẹn khoảng 3 ngày, tương tự tết Nguyên Đán của người Việt. 

Tuy nhiên, tết Chol Chnam Thmay của người Khmer cũng có những ý nghĩa đặc biệt hơn. Nếu như tiết thanh minh là dịp người Việt, người Hoa hướng lòng thành về quá khứ, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, dưỡng dục của tổ tiên, của người thân đã mất thì tết Chol Chnam Thmay lại được người đồng bào Khmer tổ chức với tâm thức vừa hướng về quá khứ, vừa hướng tới tương lai.

Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer có gì đặc biệt?

Vào dịp diễn ra lễ hội Chol Chnam Thmay, đến với các phum sóc hay các chùa Phật giáo Nam tông Khmer, du khách sẽ cảm nhận được không khí nô nức, rộn ràng của các phật tử, chư tăng cũng như người dân khi chuẩn bị đón tết cổ truyền với một niềm hân hoan, hạnh phúc vô bờ bến. Tại đây, mọi người tập trung rất đông lại để cùng nhau dọn dẹp, trang trí sơn phết lại các ngôi chùa với nhiều gam màu sắc rực rỡ. 

Trong khi đó, nhà nhà người người lại dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa tươm tất, đẹp đẽ cũng như chuẩn bị thịt thà, hoa quả để thiết đãi những ngày Tết. Tất nhiên cũng không thể thiếu những món bánh được truyền từ đời xưa như bánh té, bánh ít, bánh gừng,…Những món bánh này tượng trưng cho sự ấm no, được mùa, được người đồng bào Khmer để cúng trên bàn thờ tổ tiên, vật lễ đi chùa hay để tiếp đãi khách trong những ngày tết. 

Đêm giao thừa: Cũng giống như tết Nguyên Đán của người Việt, người Khmer đến đêm giao thừa trước tết Chol Chnam Thmay cũng thực hiện nghi lễ cúng giao thừa. Khi đó, mỗi nhà đều chuẩn bị sẵn một bàn thờ trước sân, đặt trên đó đủ nhanh đèn, hoa quả, ly nước và thực hiện cúng bái. Nghi lẽ này nhằm mục đích tiễn thần Têu-va-da cũ và rước thần Têu-va-da mới xuống trần để cai quản đất đai, thổ trạch. Vị thần này được người đồng bào Khmer rất tôn kính và họ quan niệm rằng, vị thần này sẽ ban phước lành cho cả gia đình trong năm mới. 

Ngày tết thứ nhất: Vào ngày đầu năm mới, người người sẽ tắm rửa sạch sẽ và ăn mặc thật đẹp, thật chỉnh chu để đến chùa tham gia vào lễ rước đại lịch. Đêm đến, khi những Phật tử lớn tuổi tề tựu bên chánh điện để nghe thuyết pháp thì lớp thanh niên trẻ tuổi lại hè nhau ra sân để tổ chức các trò chơi dân gian cũng như xem biểu diễn văn nghệ truyền thống. 

Ngày tết thứ hai: Vào ngày này, mọi người sẽ tiếp tục lên chùa để làm lễ “dâng cơm” và “đắp núi cát”. Theo quan niệm của người Khmer, việc dâng cơm sáng, trưa cho các vị sư phần nào thể hiện được lòng thành tâm tín ngưỡng của mình. Khi đó, các nhà sự sẽ thực hiện nghi thức tạ ơn những vị thần đã tạo ra hạt gạo, mang đến cuộc sống ấm no cho người dân trần thế. Sau đó, họ cũng sẽ làm lễ để chúc phúc, cầu an yên cho những con dân đã có lòng mang lễ vật đến cúng dường nhà chùa. Buổi chiều, người ta sẽ tiến hành làm lễ “Đắp núi cát” để cầu mong điều lành. 

Ngày tết thứ ba: Theo phong tục tết Chol Chnam Thmay của người Khmer, ngày này còn gọi là ngày Lễ tắm Phật. Sau khi mang thức ăn, hoa quả đến cho các vị sư, người dân sẽ tham gia vào nghi thức tắm Phật, là một nghi thức rất quan trọng. Khi đó, đích thân các nhà sư đã dùng những cành hoa để vẩy những giọt nước tinh khiết có ướp hương hoa lên các tượng Phật. Người dân đồng bào Khmer tin rằng, hành động này thể hiện cho lòng tôn kính đức Phật và các vị sư, cũng là nghi thức gắn với việc cầu mưa cho vụ mùa mới. 

Trong suốt 3 ngày tết, các thành viên trong gia đình sẽ cùng nhau đi thăm hỏi, chúc sức khỏe, bình an đến với bà con, hàng xóm láng giềng. Đó không chỉ là dịp để bà con đồng bào Khmer gặp gỡ, hỏi han sức khỏe, công việc hay những dự tính tương lai mà tết Chol Chnam Thmay còn nhằm hướng mọi người về tấm lòng hiếu thảo, tình đoàn kết gắn bó keo sơn cũng như tình yêu thương lẫn nhau trong phun, sóc. 

Tết Chol Chnam Thmay
Tết Chol Chnam Thmay

Du lịch miền Tây dịp tết Chol Chnam Thmay có gì hay?

Tết Chol Chnam Thmay giờ đây không chỉ là phong tục gói gọn trong đời sống của đồng bào dân tộc Khmer mà còn phổ rộng khắp như một lễ hội đặc sắc, một nét văn hóa của các tỉnh thành miền Tây Nam Bộ. Bên cạnh các tập tục, nghi thức được tổ chức tại các chùa, tết Chol Chnam Thmay còn diễn ra rất nhiều các hoạt động vui chơi, giải trí để phục vụ người dân và du khách. Du khách khi đi du lịch miền Tây dịp tết Chol Chnam Thmay có thể trải nghiệm một số hoạt động của lễ hội.

Đặc biệt, một số các ngôi chùa lớn, nơi tập trung rất đông đồng bào dân tộc Khmer còn mời các nghệ sĩ đến diễn xuất các tuồng cổ truyền thống để bà con khắp nơi đến thưởng thức. Ngoài ra, hầu hết các chùa đều diễn ra các tiết mục văn nghệ, âm nhạc, các trò chơi dân gian thu hút rất đông các nam thanh nữ tú đến ca hát, vui chơi. Đó cũng là cơ hội để du khách gần xa lần đầu tiên thưởng thức được điệu múa “Rom vong, Rô băm” đặc trưng của người Khmer. 

Có thể nói, Tết Chol Chnam Thmay của người Khmer không chỉ là dịp để mọi người cầu một năm mới an vui, hạnh phúc, mùa màng bội thu, báo ân với tổ tiên mà còn là dịp để gắn chặt tình làng nghĩa xóm, tinh thần đoàn kết của 3 dân tộc Kinh, Khmer và Hoa. Hơn nữa, đây cũng là cơ hội để người dân, du khách hiểu hơn về cội nguồn dân tộc cũng như góp phần giữ giữ, bồi đắp thêm một trong những nét đẹp truyền thống của văn hóa dân tộc của người Khmer. 

Thạch Quốc Hữu

Thạch Quốc Hữu