Xứ Tây Đô vốn nổi tiếng với nhiều di tích lịch sử, văn hóa trong đó có chùa Ông là một ngôi chùa cổ có giá trị lịch sử lên đến hơn 100 năm. Nằm giữa một Cần Thơ mang hơi thở hiện đại và có chút phóng khoáng, Chùa Ông vẫn trở nên nổi bật bởi nhờ kiến trúc đặc sắc cùng những gam màu rực rỡ, góp phần tạo nên cho thành phố một nét đẹp cổ kính, thú vị.
Mục lục nội dung
ToggleĐôi nét về Chùa Ông Cần Thơ
Được mệnh danh là “vùng đất chùa chiền” với số lượng lên đến vài chục ngôi chùa, thế nhưng khi nói đến Cần Thơ, người ta lại nhắc nhiều hơn đến Chùa Ông. Không chỉ có vị trí đẹp khi nằm ngay bến Ninh Kiều mà Chùa Ông còn trở nên hút khách bởi không gian linh thiêng, kiến trúc độc đáo cùng lịch sử lâu đời. Đặc biệt, ngôi chùa này còn khá nổi tiếng vời hoạt động xin xăm và gieo quẻ.
Nói về lịch sử của Chùa Ông, đó là một ngôi chùa Phật giáo được xây dựng từ thế kỷ 19 và là nơi thờ cúng tổ tiên của người Hoa. Ban đầu, chùa chỉ có một tầng đơn sơ được xây bởi một người Hoa có tên là Trương Văn Kỷ. Về sau, khi có những người Hoa khác đến định cư, sinh sống tại Cần Thơ, họ đã quyên góp để xây thêm tầng hai cho chùa.
Về tên gọi, Chùa Ông hay còn gọi là Quảng Triệu Hội Quán (tên gốc theo tiếng Hán), được ghi trên tiền sảnh. Sở dĩ chùa có tên gọi như vậy là do chùa có nguồn gốc là hội quán của một nhóm người Hoa thuộc hai phủ là Quảng Châu và Triệu Khánh. Còn về tên chùa Ông, cái tên này xuất phát từ việc chùa thờ Quan Thánh Đế quân (tức Quan Công), người dân địa phương vẫn thường quen gọi là Chùa Ông và cái tên này cũng theo suốt đến ngày nay.
Giờ đây, khi đặt chân đến mảnh đất Cần Thơ, mỗi du khách đều không khỏi ngỡ ngàng và ngơ ngác bởi nét kiến trúc độc đáo, màu sắc rực rỡ của chùa Ông. Đó không chỉ là nơi mà họ được tìm hiểu về lịch sử, văn hóa tín ngưỡng của chùa mà còn là ghi lại những bức ảnh check in thật xịn xò và ấn tượng.
Một số thông tin cụ thể về Chùa Ông:
- Địa chỉ: 32 Đường Hai Bà Trưng, P. Tân An, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ
- Giờ mở cửa: Từ 7h00-17h00 các ngày trong tuần
- Giá vé: Miễn phí
Hướng dẫn cách di chuyển đến Chùa Ông:
Chùa Ông nằm ngay ở trung tâm thành phố Cần Thơ, rất gần với bến Ninh Kiều nên việc di chuyển đến đó không hề khó, khi đường xá thông thoáng và nhiều sự lựa chọn về phương tiện đi lại. Để đến đây, bạn có thể đi theo lộ trình như sau:
Từ trung tâm thành phố Cần Thơ – đường 3A – đường Võ Văn Kiệt – đường Mậu Thân – Ninh Kiều – đường Nguyễn Việt Hồng – Đại lộ Hòa Bình – đường Hai Bà Trưng. Từ đây, bạn tiếp tục tìm đường đến số nhà 32 thì đó là vị trí của Chùa Ông.
Tham quan Chùa Ông Cần Thơ có gì thú vị?
Tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của các di tích, chùa chiền cũng là một cách để hiểu hơn về vẻ đẹp và nét hấp dẫn của một vùng đất nào đó. Với Cần Thơ cũng vậy, bên cạnh những tour đi chợ nổi Cái Răng, xuôi về các miệt vườn trái cây hay các lò sản xuất đặc sản, bạn cũng nên sắp xếp thời gian để một lần được đến với Chùa Ông.
Khám phá kiến trúc cổ của chùa Ông
Mặc dù có khá nhiều ngôi chùa lớn nhỏ khác nhau nhưng Chùa Ông vẫn là một trong số hiếm các ngôi chùa vẫn giữ nguyên trạng kiến trúc cổ cùng những tín ngưỡng đặc trưng. Có thể thấy, chùa thừa hưởng những nét đặc trưng nhất của lối kiến trúc Trung Hoa, do đó du khách sẽ thấy chùa Ông sở hữu một diện mạo nổi bật với các mảng kiến trúc, trang trí đa sắc màu thu hút mọi ánh nhìn.
Đi vào bên trong chùa, đập vào mắt du khách là chùa với bố cục hình chữ Quốc, mái lợp ngói âm dương. Cùng với đó là đôi lân chầu đặt ở hai bên cửa chính tượng trưng cho ý nghĩa thái bình, thịnh vượng. Các gờ bó mái được làm từ gốm tráng men lưu ly xanh biếc, hòa lẫn với rêu phong tạo nên một vẻ cổ kính khó tả. Đặc biệt, mái chùa còn được tô điểm bởi các liễn đối, các tầm hoành phi, các đầu kèo lại được chạm khắc tinh xảo, công phu và được sơn son thếp vàng rất sang trọng.
Đặc biệt, đến Chùa Ông, du khách không nên bỏ qua khu vực “thiên tĩnh”, hay còn gọi là giếng trời. Khu vực này trở nên ấn tượng bởi có sự xuất hiện của hàng chục nén nhang vòng lớn hình chóp nón màu đỏ được treo lơ lửng trên đỉnh đầu. Phía trên mái người ta chừa ra một khoảng trống, vừa để đón lấy ánh sáng của trời, vừa là để thoát khói cho các khoanh nhang khổng lồ tỏa ra suốt ngày.
Tham gia vào các lễ hội Chùa Ông Cần Thơ
Bên cạnh một số tín ngưỡng và các ngày lễ của văn hóa Việt, Chùa Ông cũng tổ chức các ngày lễ riêng theo phong tục của người hoa. Chẳng hạn như Lễ giỗ ông Bổn (15/3 Âm lịch) hay ngày vía Quan Thánh Đế (24/6 Âm lịch) hay ngày vía Thiên Hậu Thánh Mẫu (23/3 Âm lịch). Trong đó, lễ vía Quan Thánh Đế Quân và ngày vía Thiên Hậu được xem là những ngày lễ lớn và tiêu biểu nhất trong năm.
Được biết, cứ 10 năm 1 lần, Chùa Ông lại tổ chức lễ đấu đèn, thu hút rất đông các Phật tử và du khách gần xa đổ về trải hội. Theo đó, đấu đèn là một nét đặc sắc trong văn hóa của người Hoa, được gìn giữ đến tận ngày nay. Lễ hội ra đời với quan niệm, những ai sở hữu được chiếc đèn lồng này sẽ gặp được nhiều thành công và may mắn trong cuộc sống. Tục đấu đèn không chỉ tạo ra không khí vui tươi, nhộn nhịp, đoàn kết trong cộng đồng mà còn có ý nghĩa sâu sắc khi số tiền đấu giá được sẽ đều dùng vào mục đích từ thiện.
Xin xăm và gieo quẻ cầu bình an
Không chỉ các Phật tử mà du khách khi đến thăm Chùa Ông đều có thể tiến hành xin xăm, gieo quẻ để cầu duyên, cầu hạnh phúc. Đây thực sự là một nét văn hóa khá thú vị mà không phải ngôi chùa nào cũng có. Các quẻ xăm được gieo xuống cũng phần nào giải đáp về đường đời, tình duyên hay sự nghiệp của mỗi người. Tuy nhiên, mọi người cũng chỉ xem cho vui, cho biết bởi mọi thứ là do mình quyết định.
Ghi lại những bức selfie ấn tượng
Giá trị của Chùa Ông Cần Thơ không chỉ nằm ở lịch sử, văn hóa tín ngưỡng mà còn ở kiến trúc. Cũng giống như bao ngôi chùa của người Hoa khác, chùa Ông có diện mạo nổi bật với những gam màu bắt mắt và có phần sặc sỡ. Điều đó cũng vô tình tạo nên một background xịn sò, thu hút các du khách đến thay nhau check in, đặc biệt là các bạn trẻ.
Các địa điểm du lịch gần Chùa Ông
Chùa Ông có vị trí nằm ở mặt tiền đường Hai Bà Trưng, ngay trung tâm thành phố cũng chính là khu vực tập trung nhiều nhất các điểm tham quan, vui chơi nổi tiếng của Cần Thơ. Dưới đây là một số các gợi ý mà bạn có thể di chuyển đến sau khi khám phá Chùa Ông.
- Bến Ninh Kiều cách Chùa Ông 230m, chỉ mất 1 phút đi xe
- Cầu đi bộ Cần Thơ cách Chùa Ông 350m, chỉ mất 2 phút đi xe.
- Chợ Cần Thơ cách Chùa Ông 300m, chỉ mất 1 phút đi xe
- Công viên Lưu Hữu Phước cách Chùa Ông 1km, mất 4 phút đi xe
- Chợ đêm Ninh Kiều cách Chùa Ông 400m, chỉ mất 2 phút di chuyển
Trải qua hàng trăm năm tồn tại trên mảnh đất Cần Thơ, Chùa Ông với kiến trúc tinh xảo, hoa văn đặc sắc đến nay vẫn xứng danh là một trong những ngôi chùa đẹp nhất của miền Tây Nam Bộ. Nếu có dịp đặt chân đến vùng đất Tây Đô, bạn nhất định phải ghé thăm Chùa Ông để cảm nhận được không gian linh thiêng cũng như cầu bình an, may mắn cho gia đình.