Là một trong 3 lễ hội chính trong năm của người đồng bào dân tộc Khmer ở miền Tây Nam Bộ, lễ Sen Dolta vì thế cũng được người dân các phum, sóc coi trọng và tổ chức long trọng. Nếu như Tết Chnam Thmay là tết năm mới thì lễ hội Sen Dolta lại là lễ cúng ông bà tổ tiên. Trong chuyên mục lần này, hãy cùng tìm hiểu thêm những nét thú vị xung quanh lễ hội độc đáo này để biết rõ hơn về nét văn hóa của cộng đồng người Khmer tại Việt Nam.
Mục lục nội dung
Toggle>> Xem thêm: Chùm tour du lịch miền Tây
Đôi nét về lễ Sen Dolta – nét đẹp văn hóa của người Khmer Nam Bộ
Trong văn hóa của người Việt, người ta thường biết đến lễ Vu Lan (rằm tháng 7) là dịp lễ để báo hiểu, tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, nuôi dưỡng của cha mẹ, ông bà cũng như là để cầu siêu cho những linh hồn người thân đã mất. Đây cũng tương tự như lễ Sen Dolta đối với người đồng bào dân tộc Khmer, một trong 54 dân tộc Việt Nam hiện đang sinh sống chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, với số lượng khoảng hơn 1 triệu người.
Có thể nói, lễ Sen Dolta là một trong những lễ lớn, rất quan trọng trong đời sống tâm linh cũng như là một trong những nét văn hóa độc đáo của người dân Khmer. Hằng năm, cứ vào cuối tháng 8 Âm lịch, người người nhà nhà tại các tỉnh như Trà Vinh, Hậu Giang, Sóc Trăng, An Giang, Bạc Liêu, Tây Ninh lại háo hức chuẩn bị bánh trái, trang hoàng nhà cửa để chào đón lễ hội Sen Dolta sắp diễn ra trên khắc các phum sóc, chùa chiền, điểm văn hóa. Hầu hết mọi hoạt động văn hóa của họ từ lâu đều gắn liền với chùa chiền, đạo Phật. Chính vì thế, vào những ngày diễn ra lễ hội, người dân sẽ lũ lượt đổ về các chùa chiền để tham gia vào các nghi thức quan trọng.
Là một lễ đặc trưng của dân tộc, song lễ Sen Dolta lại không chỉ dành riêng cho những người thuộc cộng đồng người Khmer tại Nam Bộ mà còn mở rộng để chào đón khách du lịch từ khắp nơi về tham gia. Đây cũng là một cách rất hay để 53 dân tộc anh em còn lại hiểu hơn về nét văn hóa của người Khmer cũng như hòa mình vào không khí nô nức, náo nhiệt của lễ hội, tạo nên một sự kết nối không biên giới giữa các dân tộc trên đất nước Việt Nam.
Một số thông tin về lễ Sen Dolta:
- Địa điểm tổ chức: Diễn ra trên khắp các tỉnh Nam Bộ
- Thời gian diễn ra: Từ ngày 29/8 đến 1/9 Âm lịch
Nguồn gốc và ý nghĩa của lễ Sen Dolta
Sở dĩ lễ Sen Dolta trở thành một trong ba lễ lớn của dân tộc Khmer đó là bởi nguồn gốc thú vị của nó. Theo đó, lễ hội này được cho là bắt nguồn từ một tín ngưỡng xa xưa của người dân Khmer trước khi Phật giáo Nam tông du nhập vào miền Nam Việt Nam. Trước đây, vùng đất Nam Bộ vốn là nơi ngập nước, phương tiện di chuyển chủ yếu bằng xuồng, ghe với nghề nông là chính. Sau khi kết thúc mùa lúa, rảnh rang việc đồng áng, người dân Khmer thường hỏi thăm đến ông bà, cha mẹ và dâng tặng họ những thứ nào là bánh trái, hoa quả, chủ yếu là “cây nhà lá vườn”.
Kể từ đó, cứ đến ngày 29 tháng 8 đến 1 tháng 9 âm lịch hằng năm, người dân phum sóc lại háo hức tổ chức lễ Sen Dolta, hay còn gọi là lễ cúng ông bà, với ý nguyện tưởng nhớ đến công ơn nuôi dưỡng, sinh thành của cha mẹ, ông bà. Đồng thời, trong dịp lễ này, con cháu trong gia đình cũng thành tâm khấn vái cầu siêu cho linh hồn của những người thân đã khuất cũng như tổ tiên trong quá khứ đã có công khai phá đất đai, phù hộ cho phum sóc được bình an, phát triển.
Các hoạt động chính của lễ Sen Dolta
Chuẩn bị cho lễ hội Sen Dolta
Cũng giống như bao lễ quan trọng khác trong năm, người Khmer cực kỳ coi trọng ngày lễ đặc biệt này. Trong tiếng Khmer, “Sen” có nghĩa là cúng, “Dol”, có nghĩa là bà và “Ta” có nghĩa là ông. Như vậy, trong tâm thức của đồng bào dân tộc này, lễ Sen Dolta chính là lễ nhằm mục đích báo hiếu, thể hiện lòng thành kính của mình với cha mẹ, ông bà hay tổ tiên đã khuất.
Do hiểu rõ được tầm quan trọng và ý nghĩa sâu xa của lễ Sen Dolta mà vào dịp này, bà con nơi đây luôn có tâm niệm rằng càng chuẩn bị mọi thứ một cách thành tâm càng được ông bà phù hộ càng nhiều. Vì lý do này, hầu như các mỗi hộ gia đình đều cắt cử người đến chùa để tích công đức, bằng những việc rất đơn giản như dọn cỏ, quét sân, treo cờ, sơn phết tháp. Sau đó, họ cũng không quên dọn dẹp nhà cửa, bàn tờ tổ tiên cũng như chuẩn bị thêm nhiều món ăn truyền thống để cúng kiếng trong những ngày lễ chính.
Các nghi lễ truyền thống độc đáo
Nếu trước đây, lễ Sen Dolta được tổ chức kéo dài đến nửa tháng thì giờ đây, để phù hợp hơn với lối sống hiện đại, người ta chỉ gói gọn trong 3 ngày, từ 29 tháng 8 đến ngày 1 tháng 9 âm lịch. Dẫu thời gian rút ngắn song các nghi thức truyền thống vẫn đảm bảo giữ nguyên, với 4 nghi thức chính, đó là Lễ đặt cơm vắt (Banh canh banh), Lễ cúng ông bà (Banh Sen Dolta), Lễ hội linh (Banh pchum banh) và Lễ tiễn đưa ông bà (Banh chuôhn Dolta).
+ Ngày thứ nhất: Vào ngày đầu tiên của lễ Sen Dolta, các thành viên trong gia đình tề tựu, quầy quần bên nhau, cùng dọn dẹp nhà cửa thật khang trang, tươm tất cũng như quét dọn, sắp xếp lại bàn thờ tổ tiên. Sau đó, mỗi nhà sẽ trưng bày lên đó nào là rượu trà, bánh trái và không thể thiếu mâm cơm. Những người lớn trong gia đình sẽ thắp hương, khấn vái để mời ông bà, tổ tiên về dùng bữa. gia đình nào có điều kiện sẽ mời các sư thầy về tụng kinh, cầu siêu và thuyết pháp, với mục đích cầu siêu cho những linh hồn những người đã khuất cũng như các vong hồn cô đơn, không có con cháu.
+ Ngày thứ hai: Mỗi nhà đều thức dậy từ sớm để chuẩn bị mâm cơm, bánh trái để đem vào chùa để tham gia cúng chính vào bữa trưa, gọi là cúng tập thể. Lúc này, mọi người sẽ cùng nhau ngồi tụ lại để nghe các sư tụng kinh cầu siêu cho các linh hồn đã mất. Sau đó, tất cả sẽ cùng nhau dùng bữa trưa, tiện thể trao đổi về công việc đồng áng cũng như tổ chức các trò chơi dân gian tại khuôn viên của chùa.
+ Ngày thứ ba: Theo đúng như truyền thống ngày xưa thì ngày thứ ba chính là ngày cuối cùng của lễ Sen Dolta, lễ đưa ông bà, giống như lễ đưa ông bà trong Tết Nguyên Đán của người Kinh. Ngày nào, các nhà đều chuẩn bị những mâm cơm tươm tất và mời các vị sư thân thiết, bà con lối xóm cùng họ hàng thân thuộc trong phum sóc đến để tụng kinh cầu siêu để tiễn người quá cố. Một số gia đình hiện nay vẫn còn giữ tục lệ làm thuyền bằng bẹ chuối hoặc mo cau, sau đó đặt vào đó nào là cờ phướn, hình nộm (tượng trưng cho tổ tiên), gạo, muối, đồ ăn, quần áo, tiền, vàng. Cuối cùng, đem thả thuyền xuống dưới các con sông, kênh rạch để đưa ông bà, người thân quá cố về lại thế giới bên kia.
Thưởng thức các món ăn truyền thống
Lễ Sen Dolta mang ý nghĩa như là dịp để con cháu tưởng nhớ đến công ơn sinh thành, nuôi nấng của cha mẹ, ông bà, chủ yếu ở lòng thành kính. Do vậy, lễ vật để dâng cúng không cần phải là “mâm cao cỗ đầy” mà chủ yếu là lòng thành, tùy vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà. Theo đó, hầu hết các lễ vật đều là các món ăn bình dị, gần gũi với bữa cơm hằng ngày, ngoài ra còn các các loại trái cây, sản vật quê hương.
Vào ngày lễ Sen Dolta, du khách gần xa sẽ có cơ hội được thưởng thức ẩm thực Khmer độc đáo hiếm có. Ngoài các món ăn nổi tiếng như bánh củ gừng, cốm đẹp, bánh lá dứa, lễ vật dâng cúng tổ tiên thường không thể thiếu món ăn chính, đó là cơm nắm, hay còn gọi là cơm vắt. Khác với các món đặc sản khác, cơm vắt chỉ được làm vào dịp Sen Dolta hằng năm. Để nấu được món cơm đặc biệt này, người đồng bào Khmer thường dùng nguyên liệu là gạo nếp, mè đen và dừa. Sau khi cơm được nấu chín sẽ được vo thành viên tròn, đặt lên các đĩa và trang trí bằng các loại trái cây như chuối, lựu, nho để tăng thêm độ bắt mắt và hấp dẫn cho món ăn.
Các hoạt động vui chơi, giải trí
Lễ Sen Dolta trở nên nổi tiếng, được nhiều người biết đến một phần là nhờ các hoạt động bên lề, trong đó không thể không kể đến các lễ hội, các hoạt động vui chơi, giải trí. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, trong khuôn viên chùa cũng như các điểm sinh hoạt cộng đồng thường tổ chức các buổi biểu diễn nghệ thuật, mang đậm bản sắc dân tộc như các điệu múa truyền thống của người Khmer, hòa nhạc ngũ âm. Ngoài ra, một số nơi còn tổ chức các hoạt động thiên về tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các phong tục, tập quán.
Đặc biệt, nếu có dịp ghé thăm vùng đất An Giang đúng vào dịp Sen Dolta, du khách sẽ có cơ hội được trải nghiệm sức hấp dẫn của lễ hội đua bò Bảy Núi. Lễ hội này thường được tổ chức ở vùng Bảy Núi, bao gồm cả huyện Tri Tôn và thị xã Tịnh Biên. Khi đó, mỗi phum, sóc sẽ chọn ra một chú bò “đại diện” để tham gia vào cuộc thi cày bừa, chú bò nào khỏe nhất, hoàn thành công việc sớm nhất sẽ giành chiến thắng.
Lễ Sen Dolta có thể nói là một trong những nghi lễ có ý nghĩa to lớn tớn về lòng hiếu kính, biết ơn về công sinh thành của các bậc cha mẹ, ông bà hay những người quá cố đối với con cháu. Vì vậy, dù trong dòng chảy hiện đại, nghi lễ này của đồng bào dân tộc Khmer vẫn luôn được bà con người dân các phum, sóc giữ gìn, phát huy, hướng con cháu biết đến. Cũng có thể nói, lễ Sen Dolta với những nét độc đáo riêng cũng phần nào góp vào dòng chảy của văn hóa dân tộc, tạo nên một đất nước Việt Nam giàu bản sắc.