Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Ghé thăm “xứ cơ cầu” Bạc Liêu, du khách gần xa không chỉ được nghe kể về những giai thoại thú vị về chàng công tử Bạc Liêu nức tiếng một thời mà còn có cơ hội đến tham quan một công trình nổi bật mang tên Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Địa điểm du lịch độc đáo này không chỉ là để tôn vinh, tưởng nhớ đến cố nhạc sĩ, người đã đặt nền móng cho nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ với tác phẩm Dạ cổ hoài lang. 

>> Tham khảo: Tour du lịch Bạc Liêu

Giới thiệu về khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lâu được biết đến là một địa điểm du lịch thú vị được đặt tại thành phố Bạc Liêu. Công trình này có tên đầy đủ là Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đây không chỉ là di tích lịch sử, văn hóa mà còn mà một công trình kiến trúc lưu giữ những giá trị tinh thần, vật chất của nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ cũng như cuộc đời của cố nhạc sĩ. 

Từ lâu, nhạc sĩ Cao Văn Lầu (tức Sáu Lầu) vẫn được người đời nhắc đến nhiều mảnh đất Bạc Liêu, nơi ông gần như đã sống trọn cuộc đời ở đó cũng như cho ra đời những tác phẩm nổi bật. Tuy nhiên, ít ai biết rằng, quê hương của cố nhạc sĩ chính xác là ở xóm Cây Cui, thôn Thuận Lễ, huyện Tân Thạnh, phủ Tân An (nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, Long An). Thuở nhỏ, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, ông đã trôi dạt ở nhiều nơi trước khi chọn Bạc Liêu làm nơi dừng chân cuối cùng. 

Tại đây, ông đã lập thất với một người con gái tên Trần Thị Tấn. Tuy nhiên, vì cả hai chưa thể sinh con nên ông đành chia tay với vợ của mình. Bản Dạ cổ hoài lang cũng chính là bài hát ông viết để kể nên nỗi lòng của mình, dù thương vợ nhưng ông đành phải chia xa để giữ trọn chữ hiếu. Đây có thể nói là tác phẩm có sức ảnh hưởng lớn đối với nền âm nhạc và nghệ thuật nước nhà, đồng thời cũng gắn liền với sự ra đời, phát triển của loại hình nghệ thuật sân khấu cải lương. Ngoài Dạ cổ hoài lang, những bài hát của Cao Văn Lầu còn có hàng chục tác phẩm khác, hầu như đều hát về Bạc Liêu. 

Khu tưởng niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, trước đây được biết là khu mộ của gia đình nhạc sĩ. Về sau, được nhà nước tu bổ, xây dựng thêm một số các hạng mục khác nhằm mục đích tổ chức các sự kiện lớn, đồng thời cũng là nơi để đón tiếp các du khách phương xa. Với diện tích hơn 12.500m2, khu tưởng niệm chính là nơi lưu giữ những hình ảnh, hiện vật về nhạc sĩ Cao Văn Lầu cũng như nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ. Năm 2014, công trình này đã được nhà nước công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia. 

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu ở đâu?

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu tọa lạc tại đường Ninh Bình, khóm 4, phường 2, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Địa chỉ: Đường Ninh Bình, Khóm 4, Phường 2, TP. Bạc Liêu

Hướng dẫn cách di chuyển:

Nằm ngay ở khu vực trung tâm thành phố nên không quá khăn để người dân và du khách tìm đường đến khu tưởng niệm. Đối với những khách lưu trú tại các khách sạn trong trung tâm, có thể di chuyển bằng taxi, xe máy hoặc xe ôm để đến đây. Đối với những du khách khởi hành từ TPHCM, chỉ cần đi theo hướng cầu Mỹ Thuận, qua Cần Thơ và Hậu Giang để đến Bạc Liêu. 

Đối với du khách chọn cách đi bằng xe công cộng, có thể mua vé từ bến xe Miền Tây. Tại đây mỗi ngày đều có rất nhiều các hãng xe và chuyến xe khởi hành từ Sài Gòn đi TP. Bạc Liêu. Tổng thời gian xe chạy khoảng 6 tiếng đồng hồ. Còn đối với những du khách ở miền Bắc, có thể thực hiện chuyến bay thẳng đến sân bay Cần Thơ sau đó đi taxi đến Bạc Liêu, giúp rút ngắn thời gian di chuyển.

Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu có gì?

Chiếc đờn kìm – Biểu tượng của Đờn ca tài tử Nam Bộ

Ngay khi bước qua cổng chính, du khách sẽ bắt gặp ngay trước mắt mình là công trình tượng đài được xây dựng rất quy mô, nằm ngay phía sau dài phun nước. Ý tưởng xây dựng tượng đài được lấy từ hình ảnh chiếc đờn kìm, biểu tượng của đờn ca tài tử Nam Bộ, cũng là gắn với hình ảnh của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Khác với cây đàn kìm được trưng bày ở quảng trường Hùng Vương đặt ở trung tâm thành phố, chiếc đờn kìm này được cách điệu từ đốt tre, với phần thân được đục lõm, tạo nên sự bí ẩn, độc đáo và khác biệt. Đây cũng chính là khu vực để du khách đến thăm hương, tưởng niệm. 

Sự độc đáo nơi các bậc thang

Để chạm được vào tượng đài tre, du khách cần phải đi qua các bậc thang được bố trí các số bậc khác nhau, đó là 2,4,8,16,32,64. Nếu có sự hiểu sâu xa về âm nhạc, sẽ hiểu rằng, mỗi số bậc đều tượng trưng cho các cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương, cũng là tương ứng với các nghệ nhân khác nhau. Được biết, nhịp 2 là của Cao Văn Lầu, nhịp 4 là của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 là của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và cuối cùng, nhịp 64 là của Lý Khi. 

Ngoài ra, còn một điều thú vị là phần lan can dẫn lên đài tre, khác biệt hoàn toàn so với các bậc thang phía dưới. Công trình này được làm từ chính đá xanh Thanh Hóa, được khắc dáng rồng, cộng hưởng với các vân mây tạo nên sự sinh động, đẹp mắt. Qua đó, thể hiện cho sự lớn mạnh, phồn vinh của xứ Bạc Liêu, cái nôi của đờn ca tài tử Nam Bộ. Nếu để ý kỹ, sẽ thấy quanh tượng đài ống tre còn có khắc 20 bài tổ, trong đó có 3 bản Nam, 6 bản Bắc, 4 bản Oán, 7 bản Bắc lớn. Đi ra phía sâu chính là tượng đài cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu, với dáng ngồi vững chãi mà không kém phần điệu đàn, tôn lên khí chất của người nghệ sĩ tài hoa. 

Khu trưng bày hiện vật

Đây có thể nói là một trong những công trình thu hút du khách nhất, bởi nó là nơi lưu giữ vô số những tư liệu quý về lịch sử nghệ thuật đờn ca tài tử của Nam Bộ. Bên cạnh đó, còn có các hình ảnh của các nghệ sĩ, nghệ sĩ cải lương tiêu biểu của Bạc Liêu cũng như các trang phục biểu diễn sân khấu của các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng. Ngoài ra, chắc chắn cũng không thể thiếu các nhạc cụ cổ của các nghệ nhân cũng như các cảnh phục dựng đờn ca tài tử bằng chất liệu sáp vô cùng độc đáo. 

Khu mộ của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Với những ai yêu mến đờn ca tài tử nói chung cũng như cảm mến trước sự tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nói riêng thì không thể bỏ qua khu mộ của gia đình cố nhạc sĩ. Bên cạnh ngôi mộ của ông lần lượt là các người thân gồm có thân sinh, thân mẫu cùng người vợ của mình. Sự kín tiếng, riêng tư của nơi đây chắc chắn sẽ làm dịu lòng những vị du khách cũng như khiến ta thêm thán phục trước tài đức của ông. 

Giá vé Khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu

Để vào bên trong Khu lưu niệm nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu, du khách buộc phải mua vé mới được phép vào. Số tiền thu được sẽ dùng vào việc tu sửa các công trình cũng như chăm nom, quét dọn phần mộ gia đình cố nhạc sĩ. Dưới đây là mức thu phí được áp dụng với cả người Việt Nam lẫn du khách nước ngoài khi đến tham quan khu di tích:

  • Vé tham quan người lớn: 20.000đ/ lượt/ người
  • Người cao tuổi (trên 60): 10.000đ/ lượt/ người
  • Trẻ em (dưới 16 tuổi): Miễn phí

“Nghe tiếng đàn ai rao sáu câu như sống lại hồn Cao Văn Lầu”, một câu hát ngân nga kể về cố nhạc sĩ, để rồi khi ông ra đi rồi, người đời vẫn còn nhắc nhớ đến mãi. Tìm về với mảnh đất Bạc Liêu, nơi người nhạc sĩ tài hoa đã cống hiến hết sức mình cho nền nghệ thuật nước nhà, ai rồi cũng nên một lần ghé Khu tưởng niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Đó không chỉ là để tưởng nhớ, thể hiện lòng biết ơn đối với người mà còn là để góp phần vào bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. 

Liên hệ tư vấn & đặt dịch vụ ở Miền Tây
Picture of tunglam

tunglam