Đình Bình Thủy, hay có tên gọi khác là Long Tuyền Cổ Miếu, là một đình thờ thần nổi tiếng Cần Thơ đồng thời cũng là một di tích kiến trúc, nghệ thuật độc đáo của xứ Tây Đô. Nằm ở vị trí cách nhau chỉ khoảng 700m, mất khoảng 2 phút chạy xe, nhiều du khách thường ghé đến đình Bình Thủy sau khi đã có một trải nghiệm trọn vẹn tại nhà cổ Bình Thủy với tuổi đời hơn 150 năm.
Mục lục nội dung
ToggleGiới thiệu về đình Bình Thủy, Cần Thơ
Là một điểm đến không quá nổi tiếng như nhà cổ Bình Thủy, chợ nổi Cái Răng hay bến Ninh Kiều, đình Bình Thủy vì thế mà ít được nhiều người biết đến. Dẫu vậy, với những ai yêu thích du lịch văn hóa, tâm linh thì đây xứng đáng là một địa điểm có mặt trong lịch trình du lịch Cần Thơ sắp tới.
Nằm lặng lẽ bên dòng Bình Thủy, đình Bình Thủy là nơi thờ tự những vị thần được vua phong sắc, những người có công với đất nước, đồng thời đình cũng là nơi hội họp của người dân vào những dịp lễ hội suốt bao đời qua. Có thể nói, đình Bình Thủy là một trong những công trình lưu giữ truyền thống văn hóa, tín ngưỡng của vùng đất và con người Tây Đô.
Kể từ khi được xây dựng vào giữa thế kỷ 17 đến nay, ngôi đình này dù cho trải qua những biến cố nhưng vẫn giữ gần như nguyên vẹn kiến trúc cũng như những giá trị về văn hóa, lịch sử. Đến năm 1980, đình Bình Thủy đã được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp Quốc gia. Đó cũng là một trong những điều mà người dân nơi này có quyền tự hào về ngôi đình này cũng như có ý thức giữ gìn những giá trị vốn có của nó.
Một số thông tin cần biết về Đình Bình Thủy:
- Địa chỉ: 46/11A Lê Hồng Phong, xã Bình Thủy, huyện Bình Thủy, thành phố Cần Thơ
- Giờ mở cửa: Mở cả ngày
- Giá vé: Miễn phí
Hướng dẫn cách di chuyển đến Đình Bình Thủy
Đình Bình Thủy nằm trên tuyến đường lớn Lê Hồng Phong, do đó không khó để tìm đường tới đây. Nếu chạy theo Google Maps, bạn chỉ cần đi theo đường Nguyễn Trãi, thẳng qua Cách mạng tháng tám rồi vượt cầu Bình Thủy. Từ đây, chỉ cần đi theo hướng bên phải là sẽ tới đình Bình Thủy. Để tiết kiệm chi phí, bạn có thể thuê một chiếc xe máy thay vì chọn đi taxi tốn kém.
Đình Bình Thủy Cần Thơ có gì đáng tham quan?
Đình Bình Thủy sở hữu vị trí đặc biệt
Nằm trong một khuôn viên rộng lớn gần 4.000m2 với cây cối bao quanh, đình Bình Thủy nằm trên đường Lê Hồng Phong, thuộc phường Bình Thủy, quận Bình Thủy và chỉ cách trung tâm thành phố Cần Thơ khoảng 6km. Nhờ khoảng cách khá gần mà có thể nói là cực kỳ thuận lợi để bạn khởi hành dễ dàng từ bất cứ địa điểm nào trong thành phố.
Theo quan niệm của người xưa, Đình Bình Thủy có thể nói là di tích sở hữu một vị trí cực kỳ đắc địa, hợp phong thủy khi nằm ở vị trí “nhất cận giang, nhị cận quan, tam thận thị. Cụ thể, ngôi đình này có mặt phía Bắc giáp bờ sông Hậu, mặt phía Đông giáp rạch Bình Thủy, hay còn gọi là rạch Long Truyền, mặt phía Nam là đường Lê Hồng Phong là trục giao thông lớn và mặt phía Tây là khu dân cư đông đúc.
Lịch sử xây dựng đình Bình Thủy
Theo những cao niên trong làng Bình Thủy, đình Bình Thủy vốn được xây dựng vào năm 1844 vào thời nhà Nguyễn. Khi đó, làng Long Tuyền phải trải qua một trận thiên tai bão lũ hoành hành dư dội, nhà cửa, vườn tược đều tiêu tan. Sau trận thiên tai đó, người dân lại trở về làng và bắt đầu lập một ngôi đình bằng tre gỗ, lợp lá với mục đích để cầu các vị thần phù hộ cho dân làng được bình yên, mùa màng được tươi tốt.
Để có được diện mạo như ngày hôm ngay, đình Bình Thủy đã trải qua nhiều lần trùng tu, sửa chữa với các cuộc tu sửa chính vào năm 1853 và 1909. Trải qua nhiều năm xây dựng mới hoàn toàn do nhận thấy tình trạng đình xuống cấp nghiêm trọng, đình Bình Thủy mới chính thức được hoàn tất vào năm 1910. Vào khoảng thời gian này, đình cũng được đổi tên thành Long Tuyền, nghĩa là con rồng nằm. giờ đây, du khách có thể gọi là đình Bình Thủy, đình Long Tuyền hay Long Tuyền cổ miếu đều được.
Đình Bình Thủy thờ ai?
Được biết, đình Bình Thủy hiện nay là nơi thờ tự các thần linh, Hoàng thành dùng với các bậc tiền nhân đã có công khai hoang, lập ấp cũng như những người có công với đất nước như Nguyễn Công Trực, Đinh Công Tráng, Bùi Hữu Nghĩa,vv… Cạnh đó, những công trình xung quanh đình chính cũng là nơi thờ bốn vị thần là Thần Nông, Thần Rừng, Thần Hổ và Thần Khai kênh dẫn nước. Đó cũng là một trong những điểm khác biệt của đình Bình Thủy so với các công trình thờ tự khác trên khắp cả nước.
Tìm hiểu giá trị của đình Bình Thủy trong kiến trúc
Ngoài những giá trị về mặt lịch sử, tín ngưỡng truyền thống, đình Bình Thủy Cần Thơ còn hấp dẫn du khách bởi nét kiến trúc độc đáo. Đến đây, du khách sẽ nhận thấy được một công trình mang đậm nét kiến trúc của miền Tây Nam Bộ và sự khác biệt rõ rệt so với cách xây dựng các đình làng tại miền Bắc.
Cũng bởi được xây dựng trong thời kỷ khai hoang đất Phương Nam mà ngôi đình này có sự giao thoa rõ nét giữa những giá trị kiến trúc nghệ thuật truyền thống với kiến trúc Trung Quốc. Mặc dù đã được xây mới hoàn toàn vào thế kỷ 20, song kiến trúc của đình lại mang đậm những nét tinh hoa của lối kiến trúc xưa. Từ cách xây dựng đình đến các họa tiết trang trí, chạm trổ đều mang đến sự sinh động, gợi nhớ đến hình ảnh của một đình làng xưa.
Nói về sự độc đáo của kiến trúc đình phải kể đến khu đình chính và khu lục ấp. Riêng khu đình chính có bố cục theo lối chữ nhất, với ngoài tiền đình và chánh điện có hình vuông, mỗi góc đều có 6 hàng cột to, trơn. Đáng chú ý, ngôi đình chính được nối với tòa nhà phụ phía sau theo lối “thượng lầu hạ tiên) với các mái nằm chồng lên nhau. Riêng phần nóc đình được trang trí những hình thù độc lạ như cá hóa rồng, hình kỳ lân và hình nhân. Ngoài khu định chính còn có khu lục ấp, bao gồm nhà hát cũng như các nhà để chuẩn bị đồ cúng.
Các lễ hội tại đình Bình Thủy
Không chỉ là một di tích có giá trị về lịch sử mà đình Bình Thủy còn là nơi lưu giữ những truyền thống cội nguồn, điển hình là những hội đình diễn ra hằng ngày tại đây. Nổi bật trong số các lễ hội có lễ Thượng Điền và lễ Hạ Điền, vốn là những phong tục thuở xa xưa, hằng năm vẫn thu hút các dân làng trong và ngoài ấp cũng như khách thập phương về đây tham gia hành hương, tế lễ.
Được tổ chức ở những thời điểm khác nhau trong năm, cả hai lễ đều có những nghi thức tương đồng nhau, song xét đến tính chất quan trọng, lễ Thượng Điền vẫn được tổ chức lớn hơn lễ Hạ Điền. Theo đó, lễ Thường Điền diễn ra từ 12-14/4 Âm lịch, cúng Hoàng Thành và cầu mong mưa thuận, gió hòa với các nghi lễ chính là lễ tế Thần Nông, lễ tế Đinh Công Chánh Tôn Thần,vv… Lễ Hạ Điền được tổ chức vào ngày 14,15 tháng Chạp, cầu mùa màng bội thu với các nghi lễ chính là Lễ tế, thay khăn, rước sắc thần, diễn xướng dân gian,vv…
Đi liền với phần lễ trong các hội đình là phần hội. Đó là dịp để người dân trong làng cũng như du khách muôn phương được tham gia vào những hoạt động vô cùng đặc sắc. Từ các trò chơi dân gian thú vị như thi bắt vịt, chọi gà, kéo co đến nghệ thuật diễn xướng, triển lãm sách, cuộc thi tìm hiểu văn hóa bản địa và thưởng thức ẩm thực.
Các điểm tham quan gần đình Bình Thủy
Du khách khi ghé đến đình Bình Thủy, có thể kết hợp với một số các điểm du lịch gần đó như nhà cổ Bình Thủy, Khu tưởng niệm Thủy khoa Bùi Hữu Nghĩa. Ngoài ra, tại khu vực huyện Bình Thủy còn có các di tích khác như Long Quang Cổ Tự, Cơ quan Đặc Uỷ An Nam Cộng sản Đảng, Hội Linh Cổ Tự, Căn cứ Vườn Mận, Nam Nhã Đường,vv…đều là những địa điểm rất thích hợp để tìm hiểu về văn hóa – lịch sử của địa phương.
Là một di tích tâm linh truyền thống mang nhiều giá vị về mặt lịch sử, kiến trúc và phong tục tập quán, đình Bình Thủy giờ đây không chỉ là điểm sinh hoạt của người dân trong làng mà còn là địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại Cần Thơ. Trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, người dân nơi đây vẫn luôn tâm niệm giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống ấy bằng những lễ hội được tổ chức mỗi năm một lần, như là một cách nhắc nhớ và ghi ơn về những tiền nhân, thế hệ ông cha đã có công khai hoang, mở cõi.