Du lịch Đồng Tháp nên đi khi nào?

Được mệnh danh là “thủ phủ sen hồng” của miền Tây, Đồng Tháp khiến ai cũng phải mê mẩn với vẻ đẹp trù phú, bình yên hiếm thấy. Không chỉ là những ao sen thơm ngát, vẻ đẹp của vùng đất này còn hiện hữu ở những cánh đồng lúa bạt ngàn, những cánh rừng nguyên sinh hùng vĩ. Vì vậy, việc tìm hiểu du lịch Đồng Tháp nên đi khi nào, mùa nào, tháng nào là một trong những kinh nghiệm để có những chuyến đi trải nghiệm trọn vẹn và đáng nhớ nhất. 

Đồng Tháp ở đâu?

Đồng Tháp là 1 trong 13 tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đây cũng là tỉnh duy nhất có địa bàn ở cả hai bờ sông Tiền. Về vị trí địa lý, Đồng Tháp có phía Bắc giáp Campuchia, phía Tây giáp An Giang, phía Nam giáp Vĩnh Long và Cần Thơ, phía Đông giáp Long An và Tiền Giang. 

Là một trong những tỉnh đẹp nhất miền Tây, Đồng Tháp đem đến cho du khách một vẻ đẹp thiên nhiên bình dị, thơ mộng của miền quê sông nước. Nhờ nổi tiếng về hoa sen lại là vùng đất còn giữ được vẻ đẹp hoang sơ, nhiều di tích lịch sử văn hóa có giá trị, lại thêm nghệ thuật ẩm thực độc đáo, con người thân thiện, mến khách mà Đồng Tháp cũng có một nền du lịch khá phát triển, đặc biệt là trong những năm gần đây. 

Khí hậu và thời tiết ở Đồng Tháp

Nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, toàn tỉnh Đồng Tháp mỗi năm chia làm 2 mùa, đó là mùa mưa và mùa khô. Trong đó, mùa khô kéo dài từ tháng 12 đến tháng 4 và mùa mưa kéo dài từ tháng 5 cho đến tháng 11. Nhiệt độ trung bình năm khá cao, khoảng 27 độ C với đặc trưng là nắng nhiều, độ ẩm cao, nhất là trong mùa khô. 

Theo đó, mùa khô ở Đồng Tháp thường khô ráo, nền nhiệt cao, có gió chủ yếu vào buổi đêm và sáng sớm. Ngược lại, trong mùa mưa, thời tiết thường ẩm ướt với những cơn mưa kéo dài trong nhiều ngày, gây ra lũ lụt ảnh hưởng đến cả hoạt động sản xuất nông nghiệp và cuộc sống của người dân. 

Du lịch Đồng Tháp nên đi khi nào?

Mùa hoa: Kéo dài từ tháng 12 cho đến tháng 1, mùa hoa ở Đồng Tháp cũng là thời điểm tết đến xuân về. Khi đó, làng hoa Sa Đéc, được mệnh danh là “thủ phủ hoa kiểng” hay làng hoa lớn nhất miền Tây trở thành điểm nhấn cho khắp cả vùng. Mùa xuân đến cũng là lúc hàng ngàn loài hoa khoe sắc rực rỡ, vô tình tạo nên một cảnh tượng ngoạn mục khiến bất kỳ ai cũng phải ngỡ ngàng. 

Mùa trái cây: Kéo dài từ tháng 6 đến tháng 8 là mùa trái cây đang vào vụ ở Đồng Tháp. Nào là chôm chôm, nhãn, xoài đều thi nhau nở rộ, sai trĩu quả mà quả nào quả nấy cũng tươi ngon, mọng nước đến hấp dẫn. Nếu chưa biết du lịch Đồng Tháp nên đi khi nào thì vẫn nên tranh thủ dịp hè để được thưởng thức muôn vàn loại trái cây ngon của miền tây sông nước. 

Mùa nước nổi: Kéo dài từ tháng 8 đến tháng 11, mùa nước nổi ở Đồng Tháp thật đặc biệt khi trùng ngay với mùa sen nở rộ. Đây cũng là khoảng thời gian hiếm hoi trong năm mà bạn sẽ được ngắm nhìn hết tất thảy các cảnh đẹp cũng như những đặc sản đồng quê của Đồng Tháp, chẳng hạn như cá linh, cua đồng, bông điên điển, cá lóc nướng lá sen, chuột đồng, bông súng trắng,vv…

Mùa quýt hồng Lai Vung: Nếu như hầu hết các loại trái cây nhiệt đới ở miền Tây đều trổ quả vào tháng 6 đến tháng 8 thì đặc sản quýt Lai Vung lại vào vụ lúc nửa cuối tháng chạp và đầu tháng giêng. Sau gần một năm chăm bón từ độ tháng 2 âm lịch thì đến cuối năm, những vườn quý ở vùng này lại bắt đầu cho trái ngọt. Đây cũng là khoảng thời gian mà các nhà vườn mở cửa để đón khách du lịch cũng như thu hoạch để giao cho các vựa trái cây lớn. 

Các sự kiện và lễ hội đặc sắc nhất Đồng Tháp

Lễ hội sen Đồng Tháp

Đây là một lễ hội thú vị được tổ chức nhằm để tôn vinh hoa sen, loài hoa đặc trưng của tỉnh Đồng Tháp cũng như hướng phát huy các giá trị cho các sản phẩm chế biến từ cây sen. Bên cạnh các hoạt động chính như biểu diễn nghệ thuật, hội thảo, triển lãm về hoa sen, tôn vinh người trồng sen giỏi, lễ hội còn tổ chức hội thi chế biến các món ăn từ hoa sen, thiết kế các không gian trưng bày các tác phẩm nghệ thuật, văn hóa, thư pháp từ sen, thi ảnh săn đẹp,vv… tạo ra một sân chơi thú vị, vừa tham gia các hoạt động hấp dẫn, vừa tìm hiểu về văn hóa vùng miền. 

Lễ hội Gò Tháp  – Lễ vía Bà Chúa Xứ

Cứ đến ngày 14/4 Âm lịch, tại khu di tích Gò Tháp, thuộc xã Tân kiều, huyện Tháp Mười lại diễn ra lễ hội vía Bà Chúa Xứ. Theo đó, tín ngưỡng thờ Bà Chúa Xứ từ lâu đã là một nét đẹp văn hóa tại khu di tích này. Bên cạnh phần lễ là các nghi thức tín ngưỡng dân gian như tắm bà, cầu an, thỉnh sanh, tế Thần Nông, Chánh tế Bà Chúa Xứ, lễ hội còn diễn ra phần hội. Đó là các hoạt động như giao lưu đờn ca tài tử, thư pháp kết hợp ẩm thực dân gian, trà đạo, các chương trình ca múa nhạc. Cạnh đó, lễ hội còn tổ chức phiên chợ quê, không gian giới thiệu cho du khách các loại bánh dân gian cũng như đặc sản địa phương. 

Lễ hội hoa mùa xuân ở Sa Đéc

Không chỉ nổi tiếng với đặc sản hủ tiếu, Sa Đéc còn được biết đến là xứ sở hoa của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Để tôn vinh làng hoa này, cứ vào gần dịp tết Nguyên Đán, tỉnh này lại tổ chức lễ hội hoa xuân Sa Đéc rất rộn ràng, thu hút hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan. Trong suốt thời gian diễn ra lễ hội, công viên trung tâm TP. Sa Đéc như được thay đổi hoàn toàn bởi sự kết hợp của các loài hoa, tiểu cảnh, ánh sáng. Đi kèm với lễ hội hoa xuân còn là các hội chợ, hội thi làm bánh dân gian, biểu diễn nghệ thuật sống động.

Những lưu ý khi đi du lịch Đồng Tháp

Bên cạnh việc tìm hiểu du lịch Đồng Tháp nên đi khi nào, để có thêm thật nhiều những trải nghiệm riêng biệt và độc đáo, mọi người cần nắm rõ một số các lưu ý sau:

Mùa nước nổi ở Đồng Tháp nói riêng và miền Tây nói chung là một mùa rất đặc biệt. Nếu như mùa nước lớn ở các tỉnh miền Trung gây ra rất nhiều các thiệt hại về người và của thì mùa nước nổi ở đây lại là mùa mang đến những trải nghiệm thú vị. Đó không chỉ là cảm giác thích thú khi con nước lớn dần mà còn là thời điểm mang về cho bà con nơi đây vô số các sản vật. Khi đó, du khách không nên bỏ lỡ cơ hội được nếm thử các món đặc sản mùa lũ như bông điên điển xào tép, gỏi bông điên điển, lẩu cá linh bông điên điển, cá linh kho,vv…

Các nhà vườn trái cây ở Đồng Tháp hầu như mở cửa quanh năm, với mức giá từ 20-30 nghìn/ khách. Dẫu vậy, các loại trái cây ở miền Tây không phải có quả quanh năm mà chủ yếu tập trung vào một vụ, đó là mùa trái cây từ tháng 5 đến tháng 8. Đây là thời điểm mà các miệt vườn đón lượng khách đến tham quan đông nhất. Du lịch Đồng Tháp nếu như chọn đi vào các tháng khác, ngoài mùa trái cây thì các nhà vườn khá đìu hiu, lại ít có quả. 

Mùa mưa ở miền Tây không phải là những cơn mưa kéo dài mà đặc trưng là những cơn mưa bất chợt, các cơn mưa ngắn nhưng với lượng mưa nhiều. Khi đó, để không bị gián đoạn hành trình, nên chuẩn bị thêm áo mưa, ô dù. Ngược lại, mùa nắng ở Đồng Tháp có mức nhiệt khá cao, để thoát khỏi sự khó chịu của kiểu thời tiết này, bạn đừng quên một số thứ như mũ nón, áo khoác, kem chống nắng, kính râm, bao tay…

Hầu như miền Tây mùa nào cũng đẹp, mùa nào cũng có những đặc sản riêng. Nếu như mùa mưa gây thương nhớ với những miệt vườn trái cây trĩu quả và mùa nước lũ đong đầy sản vật thì mùa khô lại gây cảm mến bởi cảnh sắc mùa xuân rực rỡ và mùa quýt ngọt lành. Và dù là đi vào mùa mưa hay khô nắng, mọi người vẫn nên có cho mình một số các kinh nghiệm du lịch về điểm tham quan, ăn uống, ngủ nghỉ cũng như phương tiện đi lại để có một hành trình thật suôn sẻ. 

tunglam

tunglam