Cà Mau là mảnh đất nằm tận cùng cực Nam của đất nước, thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là địa điểm có khí hậu khá ôn hòa quanh năm, nơi nổi tiếng với hệ thống kênh ngòi chằng chịt và hệ sinh thái ngập mặn đa dạng, con người Cà Mau thân thiện và đa dạng ẩm thực đặc trưng miền Tây.
Mục lục nội dung
Toggle>> Xem thêm: Kinh nghiệm du lịch Cà Mau
Thời tiết Cà Mau tháng 12
Thời tiết Cà Mau mang đặc điểm của vùng nhiệt đới gió mùa cận xích đạo với mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 và mùa mưa. Nhiệt độ trung bình quanh năm của vùng đất này rơi vào khoảng 27 độ C, độ ẩm tương đối là 85,6% và lượng mưa khoảng 2.360mm.
Khí hậu Cà Mau tháng 12 thế nào?
Tháng 12 là khoảng thời gian cuối năm có thời tiết chủ đạo là nắng ấm, ít mưa, có thể có mưa nhưng chủ yếu chỉ là những cơn mưa rào. Mặc dù Cà Mau quanh năm ôn hòa, nhưng du khách tới đây vào tháng 12 sẽ khá thuận lợi bởi thời tiết dễ chịu, độ ẩm trung bình khoảng 80%, khí hậu khô ráo, mát mẻ sẽ giúp du khách có những trải nghiệm trọn vẹn hơn trong chuyến hành trình của mình.
>> Xem thêm: Du lịch Cà Mau nên đi khi nào?
Các sự kiện lễ hội trong tháng 12
Mùa khô Cà Mau cũng là khoảng thời gian diễn ra nhiều lễ hội và sự kiện du lịch đặc sắc và hấp dẫn như: lễ hội Nghinh Ông Sông Đốc, lễ vía bà Thiên Hậu, lễ tế Thần Nông, festival tôm Cà Mau, ngày hội cua Cà Mau,… Trong đó, tháng 12 thường diễn ra những sự kiện như:
Ngày hội Cua Cà Mau
Đây là ngày hội được tổ chức nhằm quảng bá hình ảnh và thương hiệu Cua Cà Mau. Cua biển Cà Mau nổi tiếng ngon và có hương vị đặc trưng của đất Cà Mau, có giá trị cao trong xuất khẩu và giao thương kinh tế trong và ngoài nước. Lễ hội còn là nơi tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch, ẩm thực, thủ công mỹ nghệ,…nhằm thu hút các nhà đầu tư và tìm ra giải pháp du lịch phù hợp với tình hình thực tế của Cà Mau.
Lễ hội diễn ra với một số hoạt động như:
- Hoạt động văn hóa nghệ thuật với các chương trình nghệ thuật tổng hợp, liên hoan đờn ca tài tử và các chương trình văn nghệ hội chợ được diễn ra hằng đêm.
- Hoạt động giới thiệu ẩm thực với những cuộc thi ẩm thực chế biến các món ăn từ cua.
- Hoạt động xúc tiến, thương mại với các sản phẩm đặc sản, hoạt động hội thảo giải pháp phát triển bền vững nghề Cua Cà Mau, giới thiệu các mô hình nuôi cua kết hợp tham quan du lịch trên địa bàn Cà Mau.
- Hội chợ mua sắm các sản phẩm đặc trưng của địa phương và các loại quà lưu niệm,…
Ngày hội cua còn được tổ chức cùng các sản phẩm OCOP và được tổ chức định kỳ mỗi năm một lần.
Festival tôm Cà Mau
Festival tôm Cà Mau được tổ chức thành công lần thứ nhất vào tháng 12.2023 và sau lễ hội đó, Cà Mau đăng cai tổ chức Festival này 3 năm 1 lần. Lễ hội Tôm Cà Mau được tổ chức nhằm khẳng định thương hiệu Tôm Cà Mau – Tôm Việt, thể hiện sự tự hào và khát vọng phát triển thương hiệu Tôm Cà Mau nói riêng và Tôm Việt Nam nói chung, khẳng định vị thế tôm Cà Mau về cả số lượng và chất lượng.
Festival tôm Cà Mau là sự tiếp nối thành công của Ngày hội cua Cà Mau, không chỉ tập trung vào sản vật địa phương mà lễ hội này còn là diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP khác của đồng bằng sông Cửu Long, với hơn 400 gian hàng dịch vụ thương mại tham gia triển lãm, giới thiệu trang thiết bị sản phẩm phục vụ cho việc nuôi tôm.
Đến với Festival tôm Cà Mau, du khách sẽ được trải nghiệm sân khấu biểu diễn nghệ thuật hoành tráng, các lễ trao giải chứng nhận cho các sản phẩm OCOP chất lượng của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, các gian ẩm thực đa dạng các mặt hàng, sản phẩm ứng dụng công nghệ nuôi tôm và đặc biệt là những quầy hải sản tươi sống với chủ yếu là các mặt hàng Tôm Cà Mau được chú trọng. Sau khi khi mua hải sản, du khách có thể yêu cầu chế biến và thưởng thức ngay tại chỗ cùng nhiều món ăn khác nhau.
Các điểm đến/trải nghiệm khi đến Cà Mau vào tháng 12
Mũi Cà Mau
Mũi Cà Mau là vùng đất cuối cùng của miền Nam đất nước, một điểm đến thiêng liêng và cũng là khu rừng sinh thái ngập mặn tự nhiên của đồng bằng sông Cửu Long. Du khách tới đây sẽ được chiêm ngưỡng những công trình mang ý nghĩa về lịch sử, chủ quyền dân tộc như:
- Cột cờ mũi Cà Mau: Mô phỏng kiến trúc cột cờ Hà Nội với diện tích 16000m2, phía trong có trưng bày hiện vật, tranh và ảnh về lịch sử, văn hóa của mảnh đất Cà Mau.
- Đền thờ Lạc Long Quân, tượng mẹ Âu Cơ: Đây là công trình thờ tự có khu vực đền thờ và tượng đài hướng về biển Đông, nhắc nhở về câu chuyện Con Rồng Cháu Tiên về nguồn gốc của dân tộc Việt Nam.
- Mốc tọa độ quốc gia GPS 0001: Đây là cột mốc thiêng liêng đánh dấu chủ quyền của lãnh thổ Việt Nam tại Mũi Cà Mau, là con dân đất nước Việt Nam, ai cũng muốn đặt chân tới đây một lần để chiêm ngưỡng và chụp ảnh.
Rừng U Minh Hạ
Rừng U Minh Hạ là hệ thống rừng ngập mặn nổi tiếng của Cà Mau, du khách tới Cà Mau tháng 12 không thể bỏ qua địa điểm du lịch nổi tiếng này, nơi đây có những tán cây tràm xanh mướt và chạy dài tít tắp, nơi cư ngụ của đa dạng các loài động vật hoang dã như rái cá lông mũi, lợn rừng, chồn, khỉ,… trong đó có nhiều loài quý hiếm có trong sách đỏ.
Rừng U Minh Hạ nằm tại Ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau với diện tích khoảng 35.000 ha. Vé vào tham quan rừng U Minh Hạ là 10.000 đồng/lượt. Chi phí thuê thuyền tham quan rừng từ 80.00 tùy vào lượng thời gian du khách muốn trải nghiệm.
Du khách có thể đến tham quan rừng U Minh Hạ vào bất cứ mùa nào trong năm, nhưng tháng 12 mùa khô sẽ là thời điểm lý tưởng để du khách tới đây khám phá hệ sinh thái trù phú này, đồng thời sẽ dễ dàng có được những bức hình đẹp khi chèo thuyền thăm thú nơi đây.
Chơi gì ở rừng U Minh Hạ?
- Chèo thuyền tham quan rừng: Đây là dịch vụ nhất định phải thử khi đến đây, du khách có thể lựa chọn đi tham quan rừng đước bằng vỏ lãi hoặc phà, nếu du chuyển bằng phà, du khách sẽ vừa có thể ăn uống và vừa ngắm nhìn thảm thực vật xanh mướt, tiếng chim hót, tiếng những động vật nhỏ kêu rả rích trong bầu không khí hoang dã và nếu đi theo tour du khách còn được lắng nghe những câu chuyện lịch sử hào hùng của những người dân miền Tây Nam Bộ dưới sự che chở của rừng U Minh.
- Ngắm cảnh từ đài quan sát: Rừng U Minh Hạ có đài quan sát cao 24m, đứng từ trên cao, du khách sẽ được phóng tầm mắt ra rất xa, bao quanh là cảnh sông nước trù phú tới tít tận chân trời, xa xa là những đàn cò trắng bay lượn tạo nên một bức tranh thiên nhiên vô cùng tráng lệ mà những ai được chiêm ngưỡng sẽ không thể nào quên.
- Cà Mau tháng 12 du khách nên trải nghiệm lấy mật ong rừng và câu cá rừng U Minh Hạ. Tại đây, du khách sẽ được đi vào rừng cùng người dân địa phương, cùng bắt cá bằng lờ, bắt lươn bằng trúm, hái bồn bồn, hái bông sen, bông súng,… Rừng tràm U Minh Hạ có nhiều ong hút mật từ những bông hoa tràm, du khách có thể cùng những thợ lấy mật trải nghiệm hoạt động lấy mật ong đầy kích thích nhưng cũng rất thú vị và còn được thử cả món ong non chấm mật lạ miệng.
Hòn Đá Bạc
Hòn Đá Bạc nằm cách thành phố Cà Mau khoảng 50km, ở phía tây Bán Đảo Cà Mau. Đỉnh cao nhất của hòn Đá Bạc cao hơn khoảng 50m so với mặt nước biển. Du khách tới với hòn Đá Bạc tháng 12 sẽ được tham quan một hòn đảo nổi lên giữa mặt nước với hàng ngàn viên đá granit đủ mọi kích cỡ nằm chồng lên nhau tạo nên nhiều hình dáng đa dạng. Từ bản đồ, hòn Đá Bạc giống như một trạm tiền tiêu canh giữ vùng trời và vùng biển phía Tây Nam mũi Cà Mau.
Khi đi tham quan trên Hòn Đá Bạc, du khách sẽ bắt gặp những dấu chân Tiên, bàn tay Tiên, giếng Tiên và bàn chân cọp. Ngoài ra, trên hòn Đá Bạc còn có một số ngôi của nhỏ như chùa Hang, chùa Tịnh độ, đền thờ ông Nam Hải tương truyền rằng rất thiêng, người dân thường tới đây để cúng viếng cũng như mong ông phù hộ độ trì được bình an, vượt qua mọi sóng gió, trắc trở.
Hòn Đá Bạc có một hệ sinh thái rừng nhiệt đới hải đảo, tạo cho hòn một lớp áo xanh mơn mởn che chở cho những loài sinh vật biển làm nơi trú ngụ và sinh sản. Mặt nước dưới hòn Đá Bạc là những làn cá đối, cá nâu vô cùng sinh động. Du khách tới đây còn được trải nghiệm thú vui câu cá, bắt cá khe, ăn hàu sống ngày trên những tảng đá dưới chân hòn.
Chợ nổi Cà Mau
Chợ nổi Cà Mau nằm ngay khúc cuối của con sông Gành Hào, với chiều dài khoảng 200 m những tấp nập ghe, thuyền của những tiểu thương. Tháng 12 là thời điểm thích hợp để tới tham quan chợ nổi Cà Mau, bởi nếu vào mùa mưa, các tiểu thương sẽ ít họp chợ hơn ngày nắng.
Trải nghiệm chợ nổi Cà Mau, du khách sẽ được tham gia hình thức mua bán độc đáo của miền Tây sông nước, đa dạng các mặt hàng sẽ được kinh doanh trên những chiếc ghe, thuyền từ tờ mờ sáng, đặc biệt là có rất nhiều loại trái cây miệt vườn như dứa, xoài, dừa nước,…Những cây bẹo trên mũi thuyền sẽ thay cho biển quảng cáo và trở thành hình ảnh độc đáo cho văn hóa chợ nổi miền Tây.
Du khách còn được ngắm nhìn cuộc sống bình dị của những con người nơi đây, những căn nhà là những chiếc ghe thuyền những bếp vẫn nghi ngút khói, cùng những sinh hoạt đời thường vẫn diễn ra hằng ngày.
Tới với chợ nổi Cà Mau tháng 12, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn đặc trưng nơi đây như bún riêu, hủ tiếu, bánh canh,…Cảm giác một tay bê tô bún, vừa ăn vừa lênh đênh trên sóng nước thật thú vị và khó quên đối với những thực khách đến từ phương xa.
Kinh nghiệm đi Cà Mau trong tháng 12
- Trang phục phù hợp cho khách du lịch khi đi du lịch Cà Mau tháng 12 nên là quần và áo dài mát mẻ, có thể che nắng và sẵn sàng những chiếc mũ, nón để tránh những cơn mưa rào bất chợt có thể xảy ra.
- Nên bôi kem chống nắng hoặc thuốc chống côn trùng khi tới những vùng có nhiều cây cối để tránh bị thương.
- Đừng quên thưởng thức những món ăn đặc sản của Cà Mau như: tôm, cua Cà Mau, lẩu mắm, bánh xèo Cà Mau,…
- Vì đặc thù sông nước, du khách nên mặc áo phao khi tham gia những trải nghiệm trên sông để đảm bảo an toàn.
- Tới những khu chợ nổi và các quán ăn địa phương, du khách nên hỏi giá trước khi sử dụng các dịch vụ.
Cà Mau là điểm đến cuối cùng đất nước với nhiều địa điểm du lịch phù hợp cho những du khách yêu thiên nhiên, những khu rừng ngập mặn với hệ sinh thái đa dạng và những cột mốc đánh dấu chủ quyền đất nước vô cùng thiêng liêng. Hãy một lần tới với Cà Mau tháng 12 để trải nghiệm và khám phá sự xinh đẹp của mảnh đất này nhé.